TIN TỨC BỆNH VIỆN

Bệnh viện Tim mạch thành phố Cần Thơ vận động mạnh thường quân hỗ trợ tài chính giúp cho người bệnh nghèo được đặt máy tạo nhịp vĩnh viễn điều trị bệnh rối loạn nhịp tim
[ Cập nhật vào ngày (06/07/2020) ]
Bs.CKII. Kiều Ngọc Dũng, Phó Trưởng khoa Điều trị Rối loạn nhịp Bệnh viện Chợ Rẫy và ê-kíp Rối loạn nhịp Bệnh viện Tim mạch TP. Cần Thơ
Bs.CKII. Kiều Ngọc Dũng, Phó Trưởng khoa Điều trị Rối loạn nhịp Bệnh viện Chợ Rẫy và ê-kíp Rối loạn nhịp Bệnh viện Tim mạch TP. Cần Thơ

Bs.CKII. Võ Hồng Sở - Giám đốc Bệnh viện Tim mạch chia sẻ “Hiện nay, Bệnh viện Tim mạch thành phố Cần Thơ được sự hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật của Bệnh viện Chợ Rẫy đã thực hiện kỹ thuật đặt máy tạo nhịp tim vĩnh viễn thành công cho nhiều người bệnh. Trong đó, trường hợp bà Ngô Thị A, 69 tuổi, ngụ tại Thị trấn Cây Dương, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang không có khả năng về tài chính để đặt máy tạo nhịp đã được tổ Công tác xã hội của Bệnh viện vận động cộng đồng hỗ trợ kinh phí để đặt máy tạo nhịp vĩnh viễn điều trị cho người bệnh”.


          Bệnh nhân nhập viện vào ngày 19/6/2020 vì thường xuyên chóng mặt, cảm giác hồi hộp. Sau khi được các bác sĩ thăm khám lâm sàng phát hiện bất thường về nhịp tim, cho đo Holter điện tâm đồ 24 giờ, kết quả ghi nhận bệnh nhân bị hội chứng suy nút xoang (nút tạo nhịp & điều khiển nhịp đập của tim). Sau khi chẩn đoán xác định, các bác sĩ ê-kíp Rối loạn nhịp gồm: Bs. Lý Ngọc Luân, Bs. Nguyễn Khắc Lữ đã hội chẩn với bác sĩ khoa Điều trị Rối loạn nhịp Bệnh viện Chợ Rẫy (qua hệ thống mạng Zalo) xác định bệnh nhân cần phải đặt máy tạo nhịp vĩnh viễn.


 

Bs.CKII. Kiều Ngọc Dũng, Phó Trưởng khoa Điều trị Rối loạn nhịp Bệnh viện Chợ Rẫy

              và ê-kíp Rối loạn nhịp Bệnh viện Tim mạch TP. Cần Thơ


          Với sự hướng dẫn của Bs.CKII. Kiều Ngọc Dũng – Phó Trưởng khoa Điều trị Rối loạn nhịp Bệnh viện Chợ Rẫy các bác sĩ ê-kíp đặt máy tạo nhịp của Bệnh viện Tim mạch thành phố Cần Thơ đã thực hiện thành công kỹ thuật đặt máy tạo nhịp vĩnh viễn điều trị cho bà Ngô Thị A. Sau 03 ngày được đặt máy tạo nhịp vĩnh viễn tình trạng bệnh nhân cải thiện rõ rệt, không còn cảm giác mệt, đau ngực, khó thở… được xuất viện trong niềm vui mừng của mọi người.

          Bệnh nhân chia sẻ “Tôi đã bị mệt, chóng mặt, cảm giác hồi hộp, có lúc gần như ngất và được chẩn đoán nhịp tim chậm bất thường nhiều năm nay, nhưng do hoàn cảnh khó khăn, mặc dù được chính quyền địa phương cấp bảo hiểm y tế diện cận nghèo nhưng vẫn không đủ tiền chi trả cho việc điều trị tới nơi tới chốn”. Hiểu được hoàn cảnh khó khăn của người bệnh, tổ công tác xã hội của bệnh viện đã đến thăm hỏi, động viên và hỗ trợ chi phí đặt máy tạo nhịp cho người bệnh từ nguồn “Quỹ bệnh nhân nghèo” của Bệnh viện.

 

 

CN. Đoàn Thị Hường, đại diện tổ Công tác xã hội đến thăm hỏi hoàn cảnh NB

          

          Rối loạn nhịp là một tình trạng bất thường về nhịp tim, tình trạng này có thể gặp ở mọi lứa tuổi và xuất hiện ở bất kỳ thời điểm nào. Rối loạn nhịp có thể gây nên các triệu chứng như: hồi hộp, đánh trống ngực, cảm giác hẫng hụt ở ngực, tức ngực, chóng mặt hoặc khó thở kèm theo, các biểu hiện này thường không rõ ràng và khó phát hiện. Vì vậy, việc tầm soát các rối loạn nhịp tim sớm để được điều trị sớm thì tỷ lệ thành công cao. Đồng thời, khi có các triệu chứng bất thường về nhịp tim, chúng ta cần đến ngay các cơ sở y tế chuyên khoa về tim mạch để khám bệnh, đo điện tâm đồ và đo holter điện tâm đồ 24 giờ để chẩn đoán xác định bệnh lý tim mạch. Đặc biệt, kỹ thuật đo holter điện tâm đồ 24 giờ là một trong những phương pháp có hiệu quả chẩn đoán cao cho các rối loạn nhịp tim giúp cho bác sĩ chuyên khoa tim mạch sẽ có những chẩn đoán chính xác và đưa ra hướng điều trị hiệu quả cho người bệnh có rối loạn nhịp tim.

 

 





Tin, ảnh: Bs. Ngọc Luân & CN. Li Ly –Bệnh viện Tim mạch

  In bài viết




Thư viện ảnh

SƠ đồ đường đi